Thị trường bất động sản sẽ bùng nổ trong nửa cuối năm 2021?

Dẫu thị trường bất động sản đang chịu tác động mạnh từ dịch bệnh nhưng nhìn trong trung và dài hạn, nhiều yếu tố, xung lực tích cực xuất hiện.

CAFEF.VN – Tại Diễn đàn Bất động sản 2021: Động lực mới cho thị trường diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia tiếp tục đặt ra kỳ vọng về kịch bản cho bất động sản. Theo Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản trong thời gian tới đang có nhiều cơ hội tích cực. Đầu tiên là tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Báo cáo 6 tháng về cơ bản là ổn định và kiềm chế được lạm phát và đánh giá rất cao là điều kiện thuận lợi cho thị trường.

Thứ hai, sự quyết liệt của Chính phủ trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đã có tác động rất lớn trong đó có thị trường bất động sản.

Thứ ba, Nghị quyết 10 của TW về kinh tế tư nhân khẳng định lần nữa động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường. Chưa bao giờ doanh nghiệp doanh nhân được quan tâm lớn như vậy và tạo ra động lực rất lớn.

Thứ tư, thị trường bất động sản đã có những tháo gỡ khó khăn về cơ chế và chính sách. Trong khi đó, các chính sách pháp luật đang được hoàn thiện và vấn đề cải cách thủ tục hành chính tiếp tục triển khai.

Thứ năm, bản thân các doanh nghiệp đã có nhìn nhận và thích ứng dần với tình hình dịch bệnh. Ngay trong định hướng của các doanh nghiệp hiện nay không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn đều đã phải đưa ra tính toán dự báo trong môi trường biến đổi mới.

Thị trường bất động sản sẽ bùng nổ trong nửa cuối năm 2021? - Ảnh 1.
Ảnh minh họa

Thứ sáu, nguồn cầu về nhà ở vẫn còn rất lớn. Tổng nhu cầu về nhà lên tới hàng trăm triệu mét vuông nhà ở. Tuy nhiên, số lượng này không hoàn toàn tập trung ở phân khúc cao cấp mà chiếm đa số là nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. Tâm lý của người Việt Nam vẫn mong muốn sở hữu nhà ở, đất ở.

Trong khi đó, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng lạc quan cho rằng, thị trường bất động sản năm 2021 đang và sẽ tiếp tục nhận được nhiều xung lực phát triển mới từ một loạt nhân tố.

Vị lãnh đạo VCCI dẫn một số nhân tố mới tạo xung lực cho thị trường bất động sản đến từ sự điều chỉnh nhiều thể chế về xây dựng và kinh doanh bất động sản, về cơ cấu cung – cầu và tăng cường áp dụng công nghệ tiếp thị, chính sách khuyến mại trong phân phối và khai thác sản phẩm bất động sản.

Mặc khác, theo ông Lộc, việc kéo dài thời gian nộp thuế và giảm bớt gánh nặng các nghĩa vụ tài chính liên quan đến dịch COVID-19 đang được thực hiện cho cả năm 2020 – 2021 cũng giúp ngân hàng và doanh nghiệp có thêm nguồn lực giá rẻ cho hỗ trợ tài chính trong kinh doanh bất động sản.

“Năm 2021 đang là thời điểm lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua. Lãi suất hạ luôn là xung lực tốt cho thị trường bất động sản do giúp giảm được chi phí vốn và điều kiện trả nợ, do đó các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà hay đầu tư”- ông Lộc nhận định.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land đưa ra góc nhìn cẩn trọng hơn. Bà cho rằng, dù dịch bệnh đã bắt đầu từ năm trước, nhưng những tháng đầu năm 2021 vẫn có sự bật dậy của thị trường bất động sản. Tuy vậy, đến làn sóng Covid-19 lần thứ tư này các doanh nghiệp đang phải đối mặt kịch bản rủi ro cao nhất.

Đánh giá về tác động lớn từ dịch bệnh đến doanh nghiệp, bà Hương nêu dẫn chứng: “Chúng tôi phải thực hiện gần như 100% nhân viên làm việc tại nhà trừ hoạt động của bộ phận dịch vụ cần thiết ở khu dân cư. Chúng tôi xác định rằng khi có dịch bệnh xảy ra sẽ ảnh hưởng lộ trình đầu tư và doanh thu của doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, theo bà, đây là khoảng lặng của thị trường mà doanh nghiệp phải chấp nhận. Trong bối cảnh đó, bà Hương cho biết, doanh nghiệp của bà chuẩn bị kịch bản cho sự phục hồi, với chiến dịch bung hàng ngay thời điểm dịch chấm dứt.

Dự báo về kịch bản thị trường bất động sản trong thời gian tới, vị lãnh đạo Đại Phúc Land cho rằng, thị trường không chỉ phụ thuộc vào yếu tố chống chịu của doanh nghiệp, mà phần lớn phụ thuộc vào kịch bản kiểm soát dịch bệnh, thời gian kiểm soát dịch càng kéo dài thì doanh nghiệp càng giảm sức chịu đựng. Dẫu vậy, bà Hương nói, trung và dài hạn vẫn có những tín hiệu tích cực của thị trường.